Phản ứng Võ_Văn_Thưởng_từ_chức_Chủ_tịch_nước

Chính quyền địa phương

Trước khi thông cáo Võ Văn Thưởng từ chức một ngày, khi được hỏi về việc thay đổi trong công tác nhân sự tại Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có trả lời về việc tồn tại "các phần tử xấu, cơ hội, thù địch cũng nhân cơ hội này tìm mọi cách xuyên tạc, tung tin, tác động, chia rẽ nội bộ [...] nhằm phá hoại công tác nhân sự nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung [...], rất thâm độc và nguy hiểm".[22][23] Trong chuyến công du đến Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết việc từ chức của ông Võ Văn Thưởng sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và kinh tế của Hà Nội, khi nước này hoạch định chính sách theo tập thể. Ông Sơn cũng đã đề cập đến chiến dịch phòng chống tham nhũng của nước này khi được hỏi về vụ từ chức. Ông cho rằng, "(nếu) một hoặc hai lãnh đạo từ chức thì cũng không thay đổi được tình hình".[24] Cũng trong và sau giai đoạn ông Thưởng từ chức, Lê Hoài Trung – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã có cuộc gặp gỡ Thái Kỳ – Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Vương Nghị – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc.[25] Theo BBC News, trong chuyến thăm này có khả năng phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thông tin trấn an về diễn biến chính trị của nước này.[26] Tương tự vào ngày 28 tháng 3, truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đã thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả hai đã hứa hẹn nhau về một chuyến thăm sắp diễn ra tại Việt Nam theo lời mời của ông Trọng.[27][28]

Truyền thông đại chúng

Theo The New York Times, việc Võ Văn Thưởng từ chức sẽ khiến nhiều quan chức trong hệ thống đơn đảng Việt Nam phải cảm thấy lo lắng và đây có thể là "dấu hiệu cho một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ vì tương lai Việt Nam". Theo Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết "Hai chủ tịch nước Việt Nam từ chức trong vòng hai năm không phải là dấu hiệu tích cực đối với một quốc gia thường được ca ngợi về sự ổn định chính trị". Ông Giang cho rằng, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ tranh giành quyền lực "căng thẳng" khi bước vào đợt chuyển giao quyền lực tiếp theo vào năm 2026. Liên tiếp có những chủ tịch nước Việt Nam từ chức có thể sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cảm giác lo sợ vì đã từng tin tưởng quốc gia này mang lại môi trường chính trị ổn định.[12] Theo Reuters, việc ông Thưởng từ chức sẽ khiến nhiều chính sách và hành chính chậm lại cho các quan chức Việt Nam lo lắng về diễn biến của chiến dịch phòng chống tham nhũng. Không chỉ vậy, việc này còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư vào việc khi khi quan ngại về việc liên tục thay đổi các lãnh đạo cấp cao. Đại diện Việt Nam Quỹ Konrad Adenauer của Đức – Florian Feyerabend cho rằng những diễn biến gần đây đã đặt ra những nghi vấn cho "khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động nội bộ" của Việt Nam. Mặc dù vậy, tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam vẫn ổn định và chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc sẽ không thay đổi.[15] Việc ông Thưởng từ chức được xem là khá bất ngờ khi nhiều tờ báo cho rằng ông là người thân cận nhất của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – người khởi xướng chiến dịch đốt lò.[29]

Nhà báo Aniruddha Ghosal chia sẻ trên The Washington Post, việc ông Thưởng từ chức cho thấy sự gia tăng đáng kể quyền lực của các cơ quan thực thi của Đảng và nhà nước Việt Nam vào vấn đề này. Chiến dịch phòng giống tham nhũng được miêu tả là "lò lửa" đã giúp củng cố quyền lực cho người lãnh đạo cao nhất, nhưng các phe phái trong Đảng cũng đang lợi dụng nó để thanh trừng đối thủ.[4] Trong khi đó, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho rằng, từ trước đến nay chưa bao giờ vị trí Chủ tịch nước Việt Nam lại "bấp bênh" đến vậy. Từ năm 2016 đến nay, chưa Chủ tịch nước Việt Nam nào giữ được chiếc ghế này hết một nhiệm kỳ.[30] Darren Tay, chuyên gia kinh tế tại BMI, công ty Fitch Solutions cho rằng, việc ông Thưởng ra đi cho thấy vị trí lãnh đạo kế nhiệm của ông Trọng vẫn đang còn trống.[17] Theo The Guardian, các nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam không hề chậm lại và hiện giờ không rõ đích đến sẽ là gì, "che mờ tương lai ngắn hạn" của một quốc gia mà trước đây được cho là nền chính trị ổn định và trầm lặng. Tuy nhiên, mặt trái của chiến dịch này chính là việc các quan chức bắt đầu thận trọng và làm việc an toàn hơn, làm chậm tiến độ các dự án do tránh phạm phải sai lầm.[31] Nguyễn Anh Đức, người đứng đầu bộ phận bán hàng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI có chia sẻ trên Bloomberg News, "Quan điểm của Chủ tịch nước không liên quan nhiều đến nền kinh tế nên các nhà đầu tư cho rằng sẽ không có thay đổi nào về triển vọng thị trường".[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Võ_Văn_Thưởng_từ_chức_Chủ_tịch_nước https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0d3xp1edd... https://vtcnews.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-d... https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi-hop-ky-bat-thuon... https://nld.com.vn/quoc-hoi-trieu-tap-ky-hop-bat-t... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam... https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-de-nghi-vu... https://thanhnien.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-t... https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240320-vi... https://www.washingtonpost.com/world/2024/03/20/vi... https://www.baogiaothong.vn/quoc-hoi-trieu-tap-ky-...